Để vững vàng trong việc giải các bài tập hóa học lớp 8 xung quanh chủ đề tính theo công thức hóa học, một lần nữa các bạn cố gắng ghi nhớ các dạng sau:
I. Xác định thành phần % về khối lượng của nguyên tố trong hợp chất
Từ CTHH đã cho AxBy... tính được %A,%B... Rất dễ dàng, bạn chỉ cần nhớ công thức sau:
%A = $\dfrac{x.M_A}{M_{AxBy}}$ . 100% và %B = $\dfrac{y.M_B}{M_{AxBy}}$ . 100%
Trong đó: MA, MB và MAxBy lần lượt là khối lượng mol của A, B và AxBy.
Ví dụ: Tính thành phần % về khối lượng của nguyên tố sắt có trong sắt (III) oxit Fe2O3
Giải:
Ta có: Fe = 56 $\Rightarrow$ MFe = 56g.
Fe2O3 = 2 . 56 + 3 . 16 = 160 $\Rightarrow$ MFe2O3 = 160g.
%Fe = $\dfrac{2 . 56}{160}$ . 100% = 70%
Với hợp chất ba nguyên tố AxByCz , cách tính cũng tương tự.
Ví dụ: Tính thành phần % về khối lượng của nguyên tố oxi có trong vôi tôi Ca(OH)2
Giải:
Ta có: O = 16 $\Rightarrow$ MO = 16g
Ca(OH)2 = 40 + 2.(16 + 1) = 74 $\Rightarrow$ MCa(OH)2 = 74g
%O = $\dfrac{2.16}{74}$ . 100% = 43,2%
II. Xác định tỉ số khối lượng của các nguyên tố trong hợp chất:
Từ CTHH đã cho AxBy…lập được tỉ số khối lượng của các nguyên tố:
mA : mB : … = x . MA : y . MB …
Ví dụ: Xác định tỉ số khối lượng của các nguyên tố cacbon và hidro trong khí metan CH4
Ta có: C = 12 à MC = 12g ; H = 1 à MH = 1g
mC : mH = 1 . 12g : 4 . 1g = 12: 4 = 3 : 1
Ghi chú: Nếu đã biết thành phần % về khối lượng của các nguyên tố thì lập tỉ số theo tỉ lệ thành phần % này.
Chẳng hạn ở ví dụ 1, ta đã tính %Fe = 70%.
Nên %O trong sắt (III) oxit sẽ là %O = 100% - 70% = 30%.
Khi đó ta sẽ có: mFe : mO = 70% : 30% = 7 : 3
III. Tính khối lượng của nguyên tố có trong một lượng chất đã biết:
Nếu có m là khối lượng của một hợp chất đã biết CTHH AxBy … ta tính mA là khối lượng của nguyên tố A theo công thức: $m_A$ = $\dfrac{x.M_A}{M_{AxBy}}$ . m
Ví dụ 1: Tính khối lượng của nguyên tố oxi có trong 4g muối đồng sunfat CuSO4
Ta có: CuSO4 = 64 + 32 + 64 = 160 à M = 160g
mO = $\dfrac{4. 16}{160}$ . 4g = 1,6g
Vậy trong 4g muối đồng sunfat có 1,6g oxi
Ví dụ 2: Tính khối lượng của nguyên tố hidro có trong 1,4 tấn nước
Giải:
Ta có: H = 1 → $M_H$ = 1g
H2O = 2 + 16 = 18 → MH2O = 18g
$m_H$ = $\dfrac{2 . 1}{18}$ . 1,4 tấn = 0,16 tấn
Ví dụ 3: Tính khối lượng của nguyên tố N có trong 0,2 mol muối kali nitrat KNO3
Giải:
Ta có: N = 14 → MN = 14g.
KNO3 = 39 + 14 + 3 . 16 = 101 → MKNO3 = 101g
mKNO3 = 0,2 . 101g = 20,2g
Do đó: mN = $\dfrac{14}{101}$ . 20,2 = 2,8g
Ghi chú: Khi biết thành phần % về khối lượng của nguyên tố thì ta tính theo giá trị % này, nhân nó với khối lượng cho biết của chất
Ví dụ: Tính khối lượng sắt có trong 5kg sắt (III) oxit, biết thành phần % về khối lượng của sắt là 70%
Giải:
mFe = $\dfrac{70}{100}$ . 5kg = 3,5kg
IV. Xác định công thức hóa học của hợp chất:
1. Khi biết thành phần % về khối lượng của các nguyên tố và phân tử khối
Cho biết %A, %B... Cần tìm các chỉ số x, y...
Ví dụ: Xác định CTHH của một oxit biết PTK của oxit bằng 160 và thành phần % về khối lượng của nguyên tố sắt là 70%
Giải:
CTHH của oxit cần tìm có dạng FexOy
Để tính các chỉ số x, y ta lập tỉ lệ khối lượng của các nguyên tố và hợp chất:
$\dfrac{x . 56}{160}$ = $\dfrac{70}{100}$ và $\dfrac{y . 16}{160}$ = $\dfrac{30}{100}$
Suy ra: x = $\dfrac{160}{56}$ . $\dfrac{70}{100}$ = 2
y = $\dfrac{160}{16}$ . $\dfrac{30}{100}$ = 3
Vậy CTHH của oxit đó là Fe2O3
Ghi chú: Khi không biết phân tử khối của chất, giả sử không biết số trị 160 trong ví dụ trên, ta tìm tỉ lệ giữa các chỉ số x, y.
Muốn vậy, ta viết x thay vào chỗ số trị 160 trong các phép tính trên, rồi lấy x chia cho y ta được:
x : y = $\dfrac{70}{56}$ : $\dfrac{30}{16}$ = $\dfrac{10}{8}$ : $\dfrac{15}{8}$ = 1 : 1,5 = 2 : 3
Vậy CTHH của oxit là Fe2O3
Lưu ý: x, y... phải là những số nguyên, chỉ có thể là 2,3 hay 4,6... Thường lấy tỉ lệ đơn giản nhất, tức là x=2 và y=3.
2. Khi biết tỉ số khối lượng của các nguyên tố và phân tử khối:
Cho biết tỉ số mA : mB = a : b. Cần tìm các chỉ số x, y...
Ví dụ: Xác định CTHH một oxit của nitơ, biết phân tử khối bằng 46 và tỉ số khối lượng mN : mO = 3,5 : 8
Giải:
Công thức hóa học cần tìm có dạng NxOy
Ta có: x . 14 + y . 16 = 46 (1)
Lập tỉ số khối lượng : mN : mO = x . 14 : y . 16 = 3,5 : 8
Rút ra tỉ lệ: x : y = $\dfrac{3,5}{14}$ : $\dfrac{8}{16}$ = 0,25 : 0,5 = 1 : 2
Suy ra: 2x = y, thay vào (1) và giải ta được: x = 1 và y = 2
Công thức hóa học của oxit là NO2
Hoặc giải theo cách khác như sau:
Từ tỉ lệ 1 : 2 có thể viết công thức ở dạng (NO2)n.
Phân tử khối của oxit là 46, tức n(14 + 2.16) = 46. Suy ra n = 1
Do đó x = n = 1 và y = 2n = 2. CTHH là NO2
3. Trong bài toán có thể cho dữ kiện để tìm phân tử khối:
Ví dụ 1: Biết axit HxSyOz có %S = 32,65% và y = 1. Tính phân tử khối của axit.
Giải:
Ta có: % S = $\dfrac{y . M_S}{M_{HxSyOz}}$ .100% Suy ra: MHxSyOz = $\dfrac{32g . 100}{32,65}$ = 98g
Vậy phân tử khối của axit HxSyOz là 98
Ví dụ 2: Biết 1 lít khí axetilen (khí đất đèn) nặng 1,16g. Tính PTK của khí axetilen.
Giải:
Ta có: V = n . 22,4 $\Rightarrow$ n = $\dfrac{V}{22,4}$
Ta lại có: M = $\dfrac{m}{n}$
Mà m = 1,16g, V = 1 lít
Suy ra khối lượng mol của khí axetilen bằng M = 1,16g . 22,4 = 26g
Do đó PTK của khí axetilen bằng 26